Thánh Lu-ca Tác Giả Tin Mừng

Ngày 18-10

Thánh Lu-ca sinh vào tiền bán thế kỷ thứ nhất tại Antiochia, tức Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Theo truyền thống, Ngài là một trong những môn đệ trung tín của Thánh Phao-lô. Thánh Nhân còn được coi là tác giả của sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và của sách Công Vụ Tông Đồ trong bộ Kinh Thánh Tân Ước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất với nhau về thời gian biên soạn của hai cuốn sách nêu trên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chúng được biên soạn từ năm 60 tới năm 65 sau Chúa Ki-tô. Nhưng một số khác lại cho rằng, hai tác phẩm trên được biên soạn vào khoảng từ năm 80 tới năm 85.

1.Một cái nhìn tổng quát về Thánh Lu-ca:

Những điều giống nhau cả về cách hành văn lẫn tư tưởng Thần Học cũng như những đối chiếu giữa cuốn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ chứng minh cho thấy rằng, hai tác phẩm này có chung một tác giả[1]. Mà tác giả của hai tác phẩm ấy, theo truyền thống, đó chính là Thánh Lu-ca. Người ta liệt Thánh Lu-ca vào số các tác giả của các Tin Mừng Nhất Lãm. Qua những gì được thể hiện trong hai tác phẩm của mình, người ta hiểu rằng, Thánh Lu-ca đã nhắm tới độc giả gốc dân ngoại, đặc biệt là độc giả gốc Hy-lạp khi Ngài biên soạn hai tác phẩm của mình[2], và Ngài công bố cho họ biết về Chúa Ki-tô với tư cách là Đấng Cứu Độ đầy lòng xót thương của những người nghèo và của các tội nhân[3]. Một số truyền thuyết cho rằng, Thánh Lu-ca đã qua đời vào khoảng năm 80 tại Theben, tức Thiva, Hy-lạp ngày nay.

Theo các Thánh Giáo phụ Irene, Eusebius và Hieronymus, cũng như theo quy điển Muratori, thì Thánh Lu-ca tác Giả Tin Mừng chính là người cộng sự đồng tên của Thánh Phao-lô được vị Tông Đồ Dân Ngoại nêu ra trong thư gửi ông Phi-lê-môn (PLm 24). Và trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê (4,14), Thánh Phao-lô đã gọi Lu-ca là Thầy Thuốc Yêu Quý. Còn trong thư thứ 2 của Thánh Phao-lô gửi ông Ti-mô-thê, thì vị Tông Đồ Dân Ngoại cho biết rằng, chỉ còn một mình Lu-ca ở với Ngài, trong khi các môn đệ khác vì chuyện này hay chuyện kia, đều đã rời xa Ngài (2Tim 4,11).

Truyền thống về việc Thánh Lu-ca là tác giả của cuốn Tin Mừng thứ ba trong bộ Kinh Thánh Tân Ước đã phổ biến ngay từ tiền bán thế kỷ thứ II[4].

Ba bị Giáo Phụ kể trên cũng cho biết rằng, Thánh Lu-ca xuất thân từ Antiochia, tức Antakya, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những gì ba vị Giáo Phụ kể trên nói về Thánh Lu-ca đều rất tương hợp với lịch sử[5].

Tuy nhiên, một vài nghiên cứu mới đây lại cho rằng, Thánh Lu-ca tác giả Tin Mừng và tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ không phải là Lu-ca, người luôn đồng hành với Thánh Phao-lô[6]. Nghiên cứu này đã tìm thấy những bằng chứng đó, chẳng hạn như trong hai tác phẩm được cho là của Thánh Lu-ca, thì tuyệt nhiên tác giả đã không hề tiếp nhận nền Thần Học có tính đặc trưng của Thánh Phao-lô. Đã thế, trong khi Thánh Phao-lô nhắc tới Lu-ca – người cộng sự của mình -, thì tuyệt nhiên Thánh Nhân lại không hề đá động gì tới hai tác phẩm của người cũng có tên là Lu-ca. Không những thế, sách Công Vụ Tông Đồ đã tường thuật lại một số những chi tiết về cuộc đời của Thánh Phao-lô khác hẳn với những gì mà chính vị Tông Đồ này đã tự tường thuật lại về mình trong những bức thư của Ngài[7].

Một số truyền thống còn coi Thánh Lu-ca là một trong số Bảy Mươi môn đệ được Chúa Giê-su sai đi (xc. Lc 10,1-16), thậm chí còn coi Ngài là một trong hai môn đệ làng Emmaus (Lc 24,13-35). Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với lời mở của Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, vì ở đó, tác giả đã không kể mình vào số những người đã trực tiếp chứng kiến công việc của Chúa Giê-su (xc. Lc 1,1-4).

2.Các Thánh Tích của Thánh Lu-ca:

Các Thánh Cốt được cho là của Thánh Lu-ca đã được chuyển đến Constantinopoli vào ngày mồng 03 tháng 03 năm 357. Sau đó, vào thế kỷ XII, các Thánh Cốt này lại được chuyển từ Constantinopoli tới Padua, Italia. Tại đây, từ năm 1562, các Thánh Cốt của Thánh Lu-ca đã được lưu giữ và tôn kính trong một Vương Cung Thánh Đường có tên là Santa Giustina.

Vào năm 1354, hoàng đế Karl IV đã rước một nửa hộp sọ của Thánh Lu-ca về Pra-ha, Tiệp Khắc. Một nửa hộp sọ còn lại của Ngài thì được đưa tới Đan Viện Panteleimon nằm trên núi Athos của Hy-lạp.

Vào ngày 17 tháng 09 năm 1998, lần đầu tiên trong vòng 600 năm, hộp đựng các Thánh Tích của Thánh Lu-ca tại Padua đã được mở ra để được thẩm định về khía cạnh khoa học. Những cuộc khảo cứu khoa học cho thấy, nửa hộp sọ được cho là của Thánh Lu-ca tại Pra-ha và những Thánh Cốt còn lại của Ngài tại Padua đều của cùng một người. Kết quả thử nghiệm ADN còn cho thấy rằng, người có bộ xương này xuất thân từ vùng Syria và tương hợp với những thông tin có trong Tân Ước [8]. Công tác xác định niên đại cho biết rằng, bộ Thánh Cốt này có tuổi đời vào khoảng 1.900 năm[9].

3.Việc mừng kính Thánh Lu-ca:

Thánh Lu-ca được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của các Bác Sĩ, của các vị Thầy Thuốc cũng như của người bán hàng dát và của các họa sĩ. Vì thế, hiệp hội các họa sĩ cũng được gọi là hiệp hội Thánh Lu-ca.

Việc tôn kính Thánh Lu-ca với tư cách là Bổn Mạng của các Thầy Thuốc bắt nguồn từ thư của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi cho các tín hữu thành Cô-lô-sê, trong đó Ngài viết rằng: „Anh Lu-ca, Thầy Thuốc yêu quý, và anh Đê-ma gửi lời chào anh em“ (Col 4,14).

Còn việc tôn kính Thánh Lu-ca với tư cách là Bổn Mạng của các họa sĩ thì dựa vào truyền thống có xuất xứ muộn hơn. Theo đó, Thánh Lu-ca đã đích thân vẽ các bức ảnh về Đức Trinh Nữ Maria, về Thánh Phê-rô và về Thánh Phao-lô Tông Đồ. Vì thế, Ngài cũng được coi là họa sĩ vẽ Icon (tức ảnh Thánh) đầu tiên. Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Thánh Lu-ca đã làm việc đó.

4.Ngày tôn kính Thánh Lu-ca:

Cả Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành lẫn Anh giáo đều mừng kính Thánh Lu-ca vào ngày 18 tháng 10, vì theo truyền thống, Thánh Nhân qua đời vào ngày này.

Còn Giáo hội Cóp-tít thì mừng kính Thánh Nhân vào ngày 19 tháng 10.

Trong Giáo hội Công giáo, Thánh Lu-ca được mừng kính với bậc Lễ Kính, tức Lễ bậc II.

Chú Thích:

[1] Udo Schnelle: Lịch sử và Thần Học Tân Ước, Writings, S. 259.

[2] Claus Westermann: Bản tóm tắt một số nội dung chính của Kinh Thánh. Berlin + Altenburg 1981, S. 172 nói về hai phần của một „Tác Phẩm Lịch Sử“.

[3] Michael Kunzler: Mess-Elemente 2 – 2006 by Bonifatius GmbH Druck – Buch – Verlag Paderborn, S. 485.

[4] Udo Schnelle: Dẫn vào Tân Ước. Göttingen 1996, S. 281f.

[5] Martin Hengel: Bốn Tác Giả Tin Mừng và Một Tin Mừng Về Chúa Giê-su Ki-tô: Những nghiên cứu về sự thu thập nguồn tài liệu của bốn Tác Giả trên. Tübingen 2008, S. 62, 172–179.

[6] Raymond E. Brown: Dẫn Vào Tân Ước. Doubleday, New York 1997, ISBN 0-385-24767-2, S. 267–8.

[7] Wolfgang Stegemann: Lukas. In: Tân Pauly (DNP). Cuốn 7, Metzler, Stuttgart 1999, ISBN 3-476-01477-0, Sp. 491 f.

[8] Cristiano Vernesi [u.a.]: Đặc tính di truyền nơi cơ thể được cho là của Thánh Lu-ca Tác Giả Tin Mừng. Trong: Các thủ tục của viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia. Vol. 98, Nr. 23, 2001, doi:10.1073/pnas.211540498.

[9] Những bằng chứng văn chương và thực tế về câu chuyện di chuyển các Thánh Tích của Thánh Lu-ca thì nhiều vô vàn, nhưng cũng rất mâu thuẫn; Lorenzo Bianchi đã giới thiệu một trình bày có tính căn bản về Rô-ma, tân Rô-ma, đế quốc và Ki-tô giới. Ý nghĩa về lịch sử chính trị và lịch sử tôn giáo của việc di chuyển các Thánh Cốt của tất cả các Thánh Tông Đồ ra khỏi Constantinopoli trong những năm từ 356 tới 357 (2009; bản tiếng Ý; PDF; 12,8 MB).

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

 


Hạnh Các Thánh